KÝ ỨC VỀ TƯỢNG ĐÀI ĐỨC MẸ BÌNH GIÃ

KÝ ỨC VỀ TƯỢNG ĐÀI ĐỨC MẸ BÌNH GIÃ
Người Việt ở nước ngoài, bấm chuột vào website binhgia.net – Bình Giã Quê Hương Yêu Dấu để tìm đọc tin tức sinh hoạt xứ Bình trong tháng Mân Côi có gì đặc biệt?
Hình ảnh nổi bật đầu tiên là Thánh lễ khai mạc tháng Mân côi do Cha xứ Vinh Châu chủ sự dưới chân Tượng Đài Đức Mẹ ban ơn.
Lễ đài được trang hoàng hoa nến đẹp đẽ, ánh sáng lung linh muôn màu sắc. Hai bên lối vào Tượng đài là 36 kiệu hoa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp do các tổ trong mỗi họ thực hiện và trang trí đẹp mắt làm cho buổi lễ thêm phần long trọng.
Trong khuôn viên rộng lớn trước Tượng đài, hàng ngàn giáo dân y phục đủ màu, nét mặt nghiêm trang, ngước mắt lên Tượng đài cầu nguyện. Một cảnh tượng ai thấy cũng phải xúc động, tăng thêm lòng mến yêu Đức Mẹ, trong đó có người viết bài này.
Có một điều là trong số giáo dân hiện diện nơi đây, kể cả những người vắng mặt trong cả 3 Giáo xứ Bình Giã, đa số là giới trẻ không hề biết rõ ràng biến cố trọng đại khi Đức Mẹ cầu xin Thiên Chúa cho giáo dân toàn trại tránh được máu đổ thịt rơi cách đây đã hơn 45 năm dài, và vì sao lại có Tượng Đài Đức Mẹ ban ơn liên quan đến biến cố ấy, sừng sững giữa trung tâm Bình Giã thân yêu chúng ta?
Rất tiếc sự kiện lịch sử thiêng liêng trọng đại này lại chưa hề được ghi vào Đặc san 50 năm Bình Giã Quê Hương Yêu Dấu. Có lẽ Ban biên tập là các bạn trẻ hoặc có vài vị lớn tuổi nhưng không có mặt trong thời gian xảy ra biến cố, do đó biến cố này không được đem vào Đặc san.
Nhân dịp này, người viết xin tường trình lại diễn tiến sự việc như là nhân chứng sống trong thời kỳ khó khăn ấy để bà con, nhất là giới trẻ tường tận, dĩ nhiên không tránh khỏi những thiếu xót, không ngoài mục đích bổ túc thêm vào phần lịch sử Bình Giã để lưu lại cho con cháu mai sau, biết trách nhiệm của mình với cha ông đã nằm xuống, mong muốn con cái, cháu chắt hãy luôn luôn nhớ ơn Mẹ Maria để tạ ơn và vinh danh Người.
Mong rằng Ban biên tập vì lòng mến Đức Mẹ, vì nguyện vọng giáo dân gốc Vinh Bình Giã có truyền thống sùng kính Đức Mẹ, bằng cách hiệu đính sự kiện lịch sử này vào cuốn Đặc san Bình Giã khi tái bản.
Sự kiện xảy ra như sau:
Khoảng thời gian từ năm 1965 – 1968, giáo dân Bình Giã sống trong cảnh chiến tranh tàn khốc, hàng chục thanh niên đã nằm xuống để lại vợ trẻ, con thơ, những vòng khăn tang mỗi ngày mỗi nhân lên. Trong số các trẻ em sớm mồ côi cha ngày ấy, hôm nay đã tuổi trung niên và chắc chắn nhiều người đã hiện diện trong buổi lễ nêu trên.
… Đêm mồng một, rạng sáng mồng hai tết Mậu Thân 1968, nhiều người đang trong giấc ngủ, bỗng dưng nghe tiếng pháo đạn rất gần, mọi người rên la, chạy xuống hầm cá nhân tránh đạn cho tới khi tiếng pháo im bặt, mọi người hoàn hồn và lên khỏi hầm. Sau vài phút, nhiều gia đình phát hiện những quả đạn súng cối chưa nổ xuyên qua tường nhà, nằm trước sân hay trong chuồng heo, gầm giường ... Hiện tượng hãi hùng này xảy ra ở Xứ Bình cụ thể như ở Họ Vĩnh Phước, La Nham, Nhân Hòa, Xuân Phong v.v.. và ngay tại miếng đất bây giờ là Tượng đài. Kế cận các nhà vòm tiền chế, lúc ấy có lớp học của người viết giảng dạy (trưởng lớp là trò Nguyễn Xuyên, Nghi Lộc hiện là Linh mục đang định cư và mục vụ ở Bỉ Quốc). Tại đây chình ình 7 quả đạn cối không nổ. Tổng  cộng cả Bình Giã là 51 quả nhưng không có quả nào nổ cả. Hú vía mọi người nhận biết sự kiện này là một phép lạ do Mẹ Maria cứu giúp. Liền sau đó, các Cha ở ba giáo xứ đã làm giờ kinh nguyện và dâng Thánh lễ tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã ra tay cứu thoát giáo dân.
Để tạc lòng ghi ơn Mẹ, ông Lê Ngọc Báu có trách nhiệm về an ninh Bình Giã cộng tác với ông Cao Hùng Sơn ở Xuân Phong là phụ tá, cùng với nhóm thiện nguyện đã đi quyên góp tiền các giáo dân để xây Tượng đài. Chẳng bao lâu số tiền ân nhân ủng hộ tương đối kha khá. Ông Báu tự mình vẽ kiểu, thuê thợ xây đa số đều ủng hộ, chỉ trong 09 tháng Tượng đài đã thành hình. Lễ khánh thành rất đơn giản do Cha xứ Vinh Châu lúc đó là Cha Antôn Đoàn Duy Đông làm phép. Từ đó trở về sau này, luôn luôn có người tới khấn nguyện với Đức Mẹ.
Lễ Noel đầu tiên được tổ chức tại tượng đài về đêm vì nơi đây rộng rãi để giáo dân cả 3 xứ đến tham dự, hơn nữa họ muốn đến để thưởng thức các tiếng hát của ca đoàn Vinh Châu có tiếng hát rất hay từ thưở ban đầu tới định cư. Cha xứ Vinh Trung thời chiến tranh khốc liệt ấy là Cha Đinh Quốc Thụy nhiều lần đã tấm tắc khen ngợi.
Trong cuộc Đức Mẹ Fatimathánh du đến Bình Giã, ngài là trưởng ban tổ chức đã mời ca đoàn Vinh Châu có truyền thống hát hay phụ trách ca hát trong các buổi chiều lễ. Ngài cũng là ân nhân đặc biệt vì đã tìm mọi cách để đồng bào Bình Giã được lên Bà Rịa mua mắm muối đem về phục vụ bà con trong mấy năm nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Riêng ông Lê Ngọc Báu  năm nay 80 tuổi, cùng tuổi với người viết, hiện ở gần Phước Lộc Thọ, California biết rõ ràng từng chi tiết, đã có dịp người viết đề cập với anh Nguyễn Duy An tại Virginiavà anh tỏ ra muốn gặp ông Báu để tìm biết rõ ràng hơn. Mong ước gặp mặt và đề nghị anh Đinh Văn An, phụ trách mục lịch sử Bình Giã trong cuốn Đặc san về đề nghị hiệu đính vào sách sau này khi tái bản.
Pet. Nguyễn Đức Hiến


Ban biên tập:  BBT đã có bài viết của ông Lê Ngọc Báu, người đã trực tiếp vẽ và chỉ huy công trình xây dựng Đài Đức Mẹ tại Giáo xứ Vinh Châu-Bình Giã, nhưng vì một vài lý do nên chưa thể đăng toàn bộ bài viết của ông được. BBT rất mong được liên lạc với ông Lê Ngọc Báu để điều chỉnh bài viết một chút, nếu được BBT sẽ đăng lên trong thời gian sớm nhất có thể. 
BBT rất cảm ơn ông  Lê Ngọc Báu và ông Pet. Nguyễn Đức Hiến đã viết những bài này cho con cháu sau này. 



Đăng nhận xét